Phun thuốc trừ sâu bệnh hại là một việc làm để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây. Tuy nhiên một số loại thuốc trừ sâu khá độc hại và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc trực tiếp. Để giải quyết vấn đề này máy bay không người lái chuyên dụng để phun thuốc trừ sâu đã được ra đời.
Tại vụ lúa đông xuân 2019-2020 vừa qua hàng trăm người dân đã kéo đến cánh đồng lúa 150 ha, tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Phú và xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa tỉnh Phú Yên để tận mắt chứng kiến cảnh 2 thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật.
Giải quyết vấn nạn độc hại cho công nhân phun thuốc
Hiện lúa trên cánh đồng giai đoạn trổ gié, bay không người lái được điều khiển phun Tilt Super nhằm phòng trừ bệnh lem lép hạt và bệnh vàng lá. Nông dân Huỳnh Tấn Nghĩa ở xã Hòa Phong cho hay: Lần đầu tiên tôi thấy máy bay không người lái phun thuốc. Đội máy bay gồm 2 chiếc, bay nhanh hay chậm, thấp hay cao tùy thuộc vào chức năng điều khiển của con người.
Còn bà Bùi Thị Hậu, ở xã Hòa Phú chia sẻ: Hiện nay ở vùng nông thôn đàn ông đi làm thợ hồ ở xa, phụ nữ ở nhà làm ruộng chăm sóc con cái. Khi lúa bị sâu bệnh, kiếm công đàn ông phun thuốc không ra. Có máy bay không người lái phun thuốc giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công phun thuốc BVTV tại các địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây: Việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian. Đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người dân vì không trực tiếp tham gia phun thuốc trên đồng ruộng.
Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Đào Văn Roa cho rằng: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đồng ruộng, trong đó có bay không người lái phun thuốc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất lúa, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng trên địa bàn huyện Tây Hòa.
Nâng cao năng suất lúa
Không chỉ trên cánh đồng xã Hòa Phong, đội bay không người lái thực hiện phun thuốc BVTV trên cánh đồng xã Hòa Phú và Hòa Mỹ Tây (mỗi cánh đồng 50ha). Trong thời gian diễn ra chương trình, các đại biểu và bà con nông dân huyện được chứng kiến cảnh trình diễn công năng của bay không người lái làm việc trên cánh đồng lúa, với những tính năng khác hẳn so với phương pháp sử dụng bình phun thông thường.
Qua thực tế cho thấy phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái đảm bảo tính chính xác đối với từng thửa ruộng theo yêu cầu, đồng thời tiết kiệm thời gian; giảm chi phí thuê dịch vụ phun khoảng 10%, năng suất dự kiến tăng từ 7 đến 15%, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đơn vị diện tích sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong cho biết: Lâu nay khi lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông, nông dân thường lội ruộng phun thuốc Tilt Super phòng trừ bệnh lem lép hạt và bệnh vàng lá là để “be bồ chứa lúa”. Thế nhưng khi lội ruộng mang bình phun thì mỗi bước chân đạp ngã gãy lúa.
Trung bình mỗi sào đi 4 đường để phun rộng khắp thì gom lại mất chòm lúa. Mà mỗi vụ lúa phun nhiều lần thuốc BVTV, từ thuốc ngừa cỏ đến thuốc phòng ngừa sâu bệnh. Theo tôi mỗi sào thiệt hại trong khâu phun thuốc gần bao lúa 50kg. Tính ra 1ha, thiệt hại lúa là không nhỏ…. Khi sử dụng máy bay không người lái phun thuốc thì không mất cây lúa nào.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên khẳng định, đây là chương trình có ý tưởng tốt, chuyển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ứng dụng công nghệ bay không người lái vào sản xuất giúp người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Xem thêm: Khám phá món “Tôm Rừng” – Đặc sản của núi rừng Tây Nguyên