Cách trồng và chăm sóc cây vạn lộc thủy sinh

Cây Vạn Lộc thủy sinh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất và nổi bật hơn cả trong việc trang trí góc nhỏ bằng cây cảnh thủy sinh đang là một trong những trào lưu cực “hot” của nhiều bạn trẻ. Sau đây là một số lưu ý khi trồng cây Vạn Lộc thủy sinh mà bạn cần biết.

Ưu điểm của trồng cây thủy sinh

Đối với dân văn phòng, hoặc những người muốn đặt cây cảnh trên bàn làm việc, tủ, kệ trong nhà, việc trồng cây thủy sinh có thể giúp người trồng linh hoạt trong việc đặt cây cảnh, dễ chăm sóc, tạo cảnh quan sang trọng hơn cho chậu cây. Đồng thời, việc vệ sinh chậu cây cũng dễ dàng hơn, do không bị vương vãi đất cát khắp nơi.

Cây Vạn Lộc được trồng thủy sinh sẽ giúp cân bằng các yếu tố trong Ngũ hành. Lá cây thuộc hành Hỏa (màu đỏ, hồng), thân cây nằm ở hành Mộc, trồng thủy sinh sẽ gia tăng yếu tố hành Thủy. Nếu người trồng thuộc các mệnh trên thì có thể trồng cây mà không sợ kiêng kỵ gì.

Cách trồng cây Vạn Lộc thủy sinh đơn giản, nhanh chóng

Trồng Vạn Lộc thủy sinh khá đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể tự trồng cây tại nhà theo các bước sau:

Bước 1

Chọn chậu/bình phù hợp: đây là việc đầu tiên cần chuẩn bị để trồng cây Vạn Lộc thủy sinh. Bình thủy tinh trong suốt là thích hợp nhất để khoe được vẻ đẹp của bộ rễ.

Bước 2

Cố định rễ cây: bạn có thể sử dụng thêm sỏi hay viên bi màu hoặc giỏ nhựa để cố định rễ cây tại một vị trí, giúp cây đứng thẳng

Bước 3

Xử lý cây trước khi trồng: Cẩn thận tách cây ra khỏi đất trồng cũ, sau đó rửa sạch và cho vào chậu cây. Bổ sung thêm dinh dưỡng dạng dung dịch cho cây phát triển nhanh hơn.

Cách chăm sóc cây Vạn Lộc thủy sinh hiệu quả

Để cây cảnh thủy sinh phát triển tốt, bạn cần chú ý đến các yếu tố sau: 

Ánh sáng

Vạn Lộc thủy sinh có thể sống tốt trong môi trường văn phòng ít ánh sáng. Bạn hoàn toàn có thể trồng cây trong nhà và thi thoảng cho cây tắm nắng nhẹ vào sáng sớm hoặc chiều tối (khoảng 1 lần/ tuần).

Nước

Loài cây này cần thay nước 1 lần / tuần và bổ sung dinh dưỡng dạng dung dịch thường xuyên.